Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2018

Loại rau củ quả mọng nước bạn nên dùng trong ngày nắng nóng

Dưa leo, bắp cải, cần tây, cà chua, dưa hấu, khế, bưởi... bổ sung nước rất tốt cho cơ thể.
Bác sĩ Phan Mỹ Hạnh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn cho hay, ngày hè nóng bức làm cho bạn cảm thấy mệt mỏi. Nguyên nhân là cơ thể bị mất nước khá nhiều cho vận động trong mùa nóng.
Nước chiếm đến 60% trọng lượng cơ thể. Cơ thể sử dụng nước trong tất cả các tế bào, cơ quan và mô để điều chỉnh nhiệt độ và duy trì các chức năng. Cơ thể mất nước qua hơi thở, mồ hôi và tiêu hóa. Điều quan trọng là phải bù nước bằng cách uống nước và ăn những thức ăn có chứa nước.
Dưới đây là một số rau củ quả mọng nước mà bạn nên dùng:
  • Dưa leo có 96,7% thành phần là nước, ăn kèm trong bữa ăn hoặc nhấm nháp một chút salat với dưa và rau.
  • Bắp cải chứa 95,6 % nước, giàu chất xơ và dinh dưỡng như folate và vitamin K.
  • Cần tây có 95,4 % nước, có thể nấu canh, ép nước uống giàu vitamin A, C, K.
  • Củ cải đường có 95,3% nước. Bạn có thể trộn salat với củ cải đường thái lát kèm với ít đậu hà lan, hạt dẻ, rau ngò tây, một chút nước cốt chanh, dầu oliu, muối và hạt tiêu.
  • Cà chua: Chứa 94,5% nước, làm nước ép hay trộn salat, thậm chí ăn sống.
  • Ớt chuông xanh: 93,9% nước. Kết hợp với bánh pizza, xào.
  • Bông cải trắng: Với hàm lượng nước 92,1%, bông cải trắng giàu vitamin giúp bổ sung nước, giảm cholesterol, chống lão hóa, ngừa ung thư.
  • Dưa hấu: Chứa 91,5% nước, dưa hấu là một món ăn thanh nhiệt. Vị ngọt mát dễ ăn, nhưng đừng ăn quá nhiều sẽ dễ bị đầy bụng.
  • Rau bina (rau chân vịt, cải bó xôi): 91,4% nước. Một chén rau cải bó xôi cung cấp cho bạn nước và 15% vitamin E cơ thể cần cho một ngày.
  • Khế: Chứa 94% nước, khế cũng là một loại trái cây ăn giữa giờ với vị chua ngọt kích thích vị giác. Tuy nhiên người có vấn đề về dạ dày và thận nên cẩn trọng khi ăn khế vì mức axit oxalic cao.
  • Dâu tây: Chứa 91,0% nước, làm nước ép, sinh tố hoặc sữa chua dâu.
  • Bưởi: Với 90,5% lượng nước, bưởi giúp bạn giảm cholesterol, điều hòa lượng đường huyết. Ăn nửa quả bưởi khoảng 40 calo trước bữa ăn, bạn có thể giảm khoảng 1,36 kg trong vòng 10-12 ngày.
  • Cà rốt: 90,4% lượng nước. Một số bạn có thể không thích ăn cà rốt, hãy thử một ly cam cà rốt xem.
  • Dưa lưới: Chứa 90,2 % nước, giúp làn da khỏe đẹp và giảm cơn đói giữa giờ.

Thứ Năm, 5 tháng 7, 2018

Giảm cân mà chỉ cần uống mỗi nước? Có thật là đời chỉ toàn màu hồng như thế?

Gần đây, cư dân mạng đang lan truyền một phương pháp giảm cân hết sức thu hút, mang tên "water-fasting". Chỉ cần uống nước là cân nặng sẽ giảm đi nhanh chóng.
Ai cũng biết rằng muốn giảm được cân, chúng ta phải ăn uống lành mạnh kết hợp tập luyện đầy đủ. Nhưng hiếm người theo được cách truyền thống như vậy, mà tìm đến những phương pháp nhanh chóng và hiệu quả thần tốc hơn.
Nhịn ăn chính là một trong những giải pháp được nhiều người tìm kiếm. Và đặc biệt là water-fasting - phương pháp giảm cân đang trở thành trào lưu trong thời gian gần đây.

Water-fasting là gì?

Đây là một phương pháp trong đó bạn sẽ giảm cân bằng cách uống nước là chủ yếu, trong một khoảng thời gian định sẵn. Có người thậm chí sẵn sàng làm vậy trong vòng cả tuần, thậm chí cả tháng trời.
Tất nhiên, bạn sẽ không chỉ uống mỗi nước. Bạn vẫn được ăn một số loại thực phẩm, nhưng thành phần chủ yếu là nước như súp rau...
Về mặt cơ chế, water-fasting giúp cơ thể tự điều chỉnh lại hoạt động, loại bỏ các tế bào cũ và thay thế chúng bằng những tế bào mới. Thậm chí có nghiên cứu chỉ ra rằng cơ chế này còn giúp cải thiện hệ thống tiêu hóa, cho phép lợi khuẩn phát triển, và từ đó nâng cao khả năng trao đổi chất, giúp ta duy trì cân nặng và hỗ trợ hoạt động của tim mạch.
Theo một số báo cáo, thì phương pháp này sẽ giúp chúng ta giảm đến 6kg trong vòng 5 ngày, giảm huyết áp và làm chậm quá trình oxy hóa - vốn là nguyên nhân dẫn đến lão hóa.

Nhưng làm gì có chuyện đời toàn màu hồng

Việc nhịn ăn - dù không hoàn toàn trong một khoảng thời gian dài có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của bạn, bởi cơ thể không nạp đủ dinh dưỡng để hoạt động.
Chế độ này cũng gây ảnh hưởng lên thận và hoạt động của các tế bào có chức năng chống oxy hóa. Khả năng cung cấp năng lượng và duy trì hệ thống tim mạch cũng bị đình trệ.
Bên cạnh đó, việc nhịn ăn quá lâu cũng gây mệt mỏi, chóng mặt, cơ thể dễ ngất xỉu. Vậy nên, phương pháp này đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ đang có thai, những người bị bệnh thận, hoặc các bệnh nhân đang trong giai đoạn điều trị bệnh dài kỳ.

Water-fasting một cách an toàn

Nhìn chung, water-fasting được một số chuyên gia đánh giá là hiệu quả ở một mức độ nhất định, nếu như áp dụng đúng cách.
Hãy lưu ý chỉ nhịn ăn trong khoảng 24 đến 48 giờ. Sau đó, hãy dành một ngày để nạp lại năng lượng bằng những đồ uống như nước hoa quả và sinh tố có bổ sung protein.
Trong quá trình nhịn ăn, đừng ép buộc cơ thể mình quá mức bởi nó có thể dẫn đến những triệu chứng như chóng mặt, buồn nôn, đau đầu.
Và cuối cùng, khoa học cũng chứng minh rằng việc thực hiện chế độ ăn kiêng gián đoạn với rau củ và các loại sinh tố cũng đem lại hiệu quả tương tự như water-fasting, mà không phải hành hạ cơ thể bằng những cơn đói và cũng loại trừ nguy hại mà nó mang lại.

Thứ Tư, 4 tháng 7, 2018

Gene của bạn được giải mã như thế nào để phát hiện sớm ung thư?

Con người có hai dạng gene là BRCA1 và BRCA chịu trách nhiệm sửa chữa, phục hồi cơ thể; nếu gene này đột biến sẽ tăng nguy cơ ung thư.
Tiến sĩ Phan Minh Liêm điều hành viện nghiên cứu ung thư ở Nha Trang cho biết, khi hai gene BRCA, BRCA1 bị đột biến thì cơ thể không được phục hồi, do đó làm tăng
Trung tâm ung thư MD Anderson (Đại học Texas, Mỹ)
nguy cơ ung thư.
"Tương tự, gene TP53 có khả năng kháng ung thư, nếu gene này bị đột biến thì nguy cơ ung thư tăng lên đến 85%”, tiến sĩ Liêm phân tích.
Công nghệ mới hiện nay cho phép các bác sĩ lấy từ mẫu nước bọt, niêm mạc trong miệng hoặc các mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân để xét nghiệm và phân tích gene.
"Các bác sĩ sẽ phân tích bản đồ gene sau xét nghiệm, phát hiện gene lỗi. Xét nghiệm này tầm soát 20.000 gene phát hiện các đột biến di truyền có khả năng làm tăng nguy cơ ung thư", người điều hành Viện Y sinh nói. Để phân tích được lượng gene này, các bác sĩ phải dựa vào siêu máy tính, trí tuệ nhân tạo, sau đó cung cấp những thực nghiệm lâm sàng và cuối cùng là đưa ra phác đồ điều trị.
Khi phát hiện được gene đột biến có khả năng ung thư, các chuyên gia sẽ gửi mẫu sang Trung tâm Nghiên cứu ung thư MD Anderson Mỹ để tiến hành những xét nghiệm độc lập. Trường hợp phát hiện bệnh nhân có khối u, bác sĩ lập tức đưa ra phương án phù hợp ngăn ngừa. Hồ sơ bệnh nhân được trung tâm này xác nhận, gửi đến bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân
Ví dụ, bệnh nhân gần 50 tuổi bị ung thư phổi, nguy cơ tử vong cao nếu không phát hiện kịp thời để điều trị. Trường hợp người này sớm được xét nghiệm phát hiện có gene đột biến thì bác sĩ có thể khắc phục được gene lỗi này. "Sau gần một tháng sửa gene, khối u trong cơ thể sẽ giảm, khi ấy bệnh nhân tiếp tục điều trị theo phác đồ thì giảm 70% nguy cơ, kéo dài sự sống", tiến sĩ Liêm cho hay.
Tuy nhiên, công nghệ xét nghiệm, giải mã gen hiện nay chi phí khá cao so với người dân Việt Nam, trung bình 70-100 triệu đồng một ca cho lần xét nghiệm 22.000 gene. Viện nghiên cứu ung thư đang phát triển thêm trí tuệ nhân tạo để tự động hóa, tiết giảm chi phí để bệnh nhân nào cũng có thể xét nghiệm.
Sai Ching Jim Yenung, chuyên gia Trung tâm MD Anderson Mỹ đánh giá, xét nghiệm gene giúp giới chuyên môn theo dõi, tiên liệu về các khối u đang tồn tại trong cơ thể bệnh nhân, giúp giải mã cơ chế kháng thuốc. "Dựa trên các điểm phân tử, bác sĩ phân loại bệnh nhân ung thư vú để có phác đồ điều trị phù hợp", Sai Ching Im Yenung kể.
Tương tự, giáo sư Mong Hong Lee nhận định, thông qua các xét nghiệm di truyền, bác sĩ có thể xác định đột biến chủ đạo thúc đẩy ung thư phát triển, đánh giá điểm yếu của khối u, theo dõi và hạn chế sự kháng thuốc của ung thư. Công nghệ này cũng giúp bác sĩ tối ưu hóa phác đồ điều trị và đánh giá nguy cơ di truyền ung thư.
Ung thư đang là căn bệnh thế kỷ. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận hơn 125.000 ca ung thư mới, trong đó có 90.000 bệnh nhân tử vong, là quốc gia có tỷ lệ tử vong do ung thư cao nhất thế giới và phần lớn phát hiện bệnh muộn.

Phản ứng thuốc, bệnh do thuốc gây nên ở người cao tuổi

Chỉ sử dụng thuốc khi các biện phấp điều trị không dùng thuốc không có kết quả hoặc không đủ hiệu lực hoặc không thể thực hiện được. Cân nhắc kỹ tới dùng thuốc và tác hại nếu dùng thuốc.

Nhận định chung
Phản ứng thuốc gặp nhiều ở người già, gấp từ 2 đến 3 lần so với người trẻ. Biến đổi về mặt hấp thụ
thuốc thường không ảnh hưởng về phương diện lâm sàng, kể cả trong tình trạng không acid chlorhydric. Nhưng về mặt thanh thải lại có sự giảm sút đáng kể. Sở dĩ có hiện tượng này là do giảm lưu lượng huyết tương ở thận, giảm mức lọc cầu thận cũng như giảm sự thanh thải ở gan. Hiện tượng sau là do giảm hoạt độ các men chuyển hóa thuốc tại các tiểu thể microsom, đồng thời có giảm máu lưu thông tại gan khi tuổi đã cao. Thể tích phân bố thuốc cũng có sự thay đổi. Do ở tuổi già có giảm lượng nước toàn thân đồng thời có tăng lượng mỡ toàn thân nên những thuốc hòa tan trong nước bị cô đặc hơn và thuốc hòa tan trong mỡ lại có nửa đời sống dài hơn. Không những thế, albumin huyết thanh có nồng độ giảm đi, đặc biệt ở những bệnh nhân ốm yếu lâu ngày, vì vậy, có giảm mức gắn của một số thuốc vào protein (ví dụ Warfarin, Phenytoin) khiến cho số thuốc tự do (hoạt động) lại tăng hiệu lực.
Thêm vào sự thanh thải thuốc bị giảm sút do động lực thuốc thay đổi, do nhiều lý do khác nhau, sự đáp ứng với thuốc của người già cũng có nhiều thay đổi. Với cùng một nồng độ thuốc trong huyết thanh như nhau, sự đáp ứng ở người già thường rất khác nhau. Nhìn chung người già dễ nhậy cảm hơn với một số thuốc (ví dụ đối với opioid) nhưng lại ít nhậy cảm với một số thuốc khác (ví dụ đối với các beta adrenergic).
Cần phải nêu lên rằng do mắc nhiều bệnh kinh diễn bệnh nhân già thường dùng quá nhiều thuốc. Bản thân người già cũng dễ lầm lẫn thuốc men do mắt kém, nghe không rõ, trí nhớ giảm, động tác không chính xác nên việc sử dụng thuốc có nhiều sai sót. Vì vậy các biến đổi của cơ thể đã già yếu, cộng với những sai lầm trong sử dụng thuốc đã dẫn đến những phản ứng và bệnh do thuốc gây nên.
Những điều thận trọng khi dùng thuốc ở nguời già
Để tránh tai biến do sử dụng thuốc ở người già cần chú ý những điểm sau:
Việc chọn thuốc và cách cho thuốc
Đảm bảo là triệu chứng cần điều trị không phải là triệu chứng do một thuốc khác gây nên.
Chỉ sử dụng thuốc khi các biện phấp điều trị không dùng thuốc không có kết quả hoặc không đủ hiệu lực hoặc không thể thực hiện được. Cân nhắc kỹ tới dùng thuốc và tác hại nếu dùng thuốc.
Nếu phải dùng thuốc thì nên bắt đầu bằng một liều thấp so với liều thường dùng ở người trẻ, sau đó tăng dần liều có tính đến các yếu tố dược động học ở cơ thể già. Tuy nhiên giữa từng cá thể cũng có những sự khác nhau về phân bố và sự thanh thải thuốc, vì vậy cũng có bệnh nhân có thể cho ngay liều cần thiết từ lúc đầu. Xác định các biện pháp cần thực hiện (tăng hay giảm liều) tùy theo đáp ứng của cơ thể đối với thuốc.
Phác đồ dùng thuốc cần giản đơn, dễ thực hiện. Không nên dùng quá nhiều thuốc cùng một lúc.
Nếu bệnh nhân hoặc người nhà được phát nhiều thuốc cùng một lúc thi nên hướng dẫn lại cách dùng từng thứ thuốc, liều lượng. Nếu có điều kiện thì nói cả những tác dụng không mong muốn có thể xẩy ra.
Ở những cơ sở điều trị có điều kiện nên định lượng nồng độ thuốc trong huyết thanh, nhất là đối với các thuốc có độc tính cao hoặc có lề an toàn rất hẹp như phenytoin, theophylin, quinidin, aminoglycosid, lithium. Cũng vẫn thực hiện đối với một số thuốc hướng tâm thần như nortriptylin. Cũng cần lưu ý là ngộ độc vẫn có thể xẩy ra đối với nồng độ thuốc gọi là "bình thường" nhất là đối với digoxin, phenytoin.
Các dược sỹ không nên cấp phát thuổc dưới dạng lọ đầy thuốc cho bệnh nhân lú lẫn, có nguy cơ tự vẫn hoặc đang sống cùng các trẻ nhỏ.
Trường hợp dùng thuốc quá liều
Phản ứng thuốc có thể do dùng thuốc quá liều quy định hoặc dùng nhầm thuốc của những người khác ở cùng nhà (nhà dưỡng lão tập trung). Mọi thuốc ngủ hoặc các thuốc kháng histamin dùng quá liều đều có thể gây nên tình trạng lơ mơ lú lẫn cũng như các tác dụng phụ kèm kháng tiết cholin (ví dụ khô mồm miệng, nhìn mờ, lú lẫn, bí đái hoặc đái không tự chủ.) Ngoài ra Ibuprofen và naproxen đôi khi bệnh nhân tự mua để dùng không có đơn của thầy thuốc, có thể gây tác dụng phụ ở hệ thận – tiết niệu và hệ thần kinh trung ương.
Các thuốc an thân gây mê
Tốt nhất để chống mất ngủ là dùng các biện pháp không dùng thuốc. Trường hợp không có hiệu quả có thể dùng một số thuốc sử dụng ngắn ngày, tác dụng nhanh chuyển hóa không bị biến đổi do tuổi già (ví dụ: oxazepam 10 -30mg/ngày). Hạn chế dùng benzodiazepin loại tác dụng nhanh hay tác dụng chậm cho người già vì có thể gây lú lẫn. Khi có trầm cảm thật thì có thể dùng các thuốc chống trầm cảm, nhưng nếu không phải bệnh mà dùng thì có thể gây mê.
Kháng sinh
Creatinin huyết thanh không phải là một căn cứ đáng tin cậy để đánh giá chức năng thận ở người già. Nồng độ của các chất có độc tính cao được đào thải qua đường thận phải được định lượng trực tiếp.
Các thuốc tim mạch
Digitalis, procainamid, quiĩiidin có thời gian bán hủy dài ở người già, có hành lang điều trị an toàn hẹp, vì vậy nhiễm độc hay gặp kể cả với liều lượng thông thường. Các biểu hiện nhiễm độc của digoxin, đặc biệt là chán ăn, lú lẫn, trầm cảm, đều có thể quan sát thấy với liều điều trị quy định.
Thuốc chẹn thụ thể H2
Cimetidin và Ranitidin giao thoa, trở ngại cho chuyển hóa thuốc tại gan làm tăng tỷ lệ ngộ độc đối với các thuốc chuyển hóa chủ yếu tại gan (như propranolol, lidocain, warfarin, theophylin, phenytoin), Ngoài ra tất cả các thuốc ức chế thụ thể H2 đều ít nhiều có thể gây nên lú lẫn ở người già. Do những chất này được đào thải qua thận nên chỉ dùng liều thấp cũng đủ và hạn chế được nguy cơ nhiễm độc.
Các thuốc chống trầm cảm và chống loạn tâm thần
Thuốc chống trầm cảm và chống loạn tâm thần hay gây nên tác dụng phụ kiểu kháng tiết cholin ở người già như lú lẫn, bí đái, táo bón, khô mồm miệng. Có thể hạn chế những tác dụng phụ đó bằng cách dùng những chất không hoặc có ít tác dụng kháng tiết cholin. Tuy nhiên do trầm cảm và hưng phấn hay xen kẽ nhau cho nên chú ý chỉ nên sử dụng ngắt quãng các chất này.
Thuốc chữa glocom
Không những các chất chẹn bêta có thể gây tác dụng phụ toàn thân mà cả các chất ức chế cacbonic anhydrase cũng thế. Thuốc này thường gây khó chịu, chán ăn, sút cân. Những triệu chứng này có thể xuất hiện độc lập, không liên quan gì đến tình trạng nhiễm toan chuyển hóa.
Thuốc chống đông
Tuổi tác không phải là một chống chỉ định dùng thuốc chống đông máu. Bệnh nhân tuổi cao thường đáp ứng tốt với loại thuốc này hơn ở người trẻ.
Thuốc giảm đau
Meperidin và propoxyphen hay được dùng phối hợp với nhau và có thể gây mê sảng vì vậy không nên dùng phối hợp hai thuốc đó.
Tránh lạm dụng thuốc
Thuốc không cần thiết, không có chỉ định dùng trong một sổ trường hợp lâm sàng sau đây:
Đái ra vi khuẩn không biểu hiện lâm sàng không cần dùng kháng sinh. Có thể cân nhắc dùng khi có tắc nghẽn đường niệu, có sỏi kèm theo.
Phù mắt cá chân thường do suy tĩnh mạch, do dùng thuốc (loại chống viêm không steroid, loại kháng calci) do bất động, suy dinh dưỡng. Thuốc lợi niệu không có chỉ định dùng, trừ khi do suy tim, nhiều khi chỉ cần dùng băng ép hoặc bít tất ép.
Cơn đau cách hồi: không cần dùng Pentoxitylin. Chỉ cần luyện tập đều đặn trong vòng 30 phút, 3 lần mỗi tuần.

Thứ Ba, 20 tháng 3, 2018

Nguyên nhân không ngờ khiến da bạn bị bầm tím

Trong một số trường hợp hiếm gặp, bầm tím là dấu hiệu ung thư máu, ung thư tủy xương hoặc ung thư hạch bạch huyết.


Hiện tượng da bị bầm tím không chỉ xảy ra khi bạn va đập. Dưới đây là các nguyên nhân không ngờ dẫn đến bầm tím, theo Health.
Thuốc làm loãng máu
Ngoài chấn thương, thuốc làm loãng máu là nguyên nhân số một dẫn đến bầm tím do làm chậm hoặc giảm khả năng đông của máu. Các loại thuốc này rất phổ biến và bạn có thể đang dùng mà không biết. Dầu cá, rượu, tỏi cũng có tác dụng tương tự thuốc làm loãng máu.
Các thuốc khác
Steroid dẫn đến loãng máu nên người dùng rất dễ bị bầm tím dù va chạm nhẹ. Hóa trị khiến số lượng tiểu cầu giúp đông máu giảm, từ đó đẩy cao nguy cơ bầm tím.
Lão hóa

Càng già, mạch máu càng trở nên mỏng manh. Lúc này, thương tích nhỏ cũng đủ gây chảy máu dưới da, hình thành các vết bầm tím.

Bên cạnh đó, làn da lão hóa bị mất đi lớp mỡ đệm cũng là lý do dẫn đến hiện tượng bầm tím. Ở người cao tuổi, vết bầm tím thường xuất hiện trên cánh tay và bàn tay, những vùng hay tiếp xúc với ánh mặt trời.

Thuốc làm rối loạn đông máu

Ngoài chấn thương, thuốc làm loãng máu là nguyên nhân số một dẫn đến bầm tím do làm chậm hoặc giảm khả năng đông của máu. Các loại thuốc này rất phổ biến và bạn có thể đang dùng mà không biết. Dầu cá, rượu, tỏi cũng có tác dụng tương tự thuốc làm loãng máu.
Các thuốc khác

Steroid dẫn đến loãng máu nên người dùng rất dễ bị bầm tím dù va chạm nhẹ. Hóa trị khiến số lượng tiểu cầu giúp đông máu giảm, từ đó đẩy cao nguy cơ bầm tím.
Lão hóa

Càng già, mạch máu càng trở nên mỏng manh. Lúc này, thương tích nhỏ cũng đủ gây chảy máu dưới da, hình thành các vết bầm tím.

Bên cạnh đó, làn da lão hóa bị mất đi lớp mỡ đệm cũng là lý do dẫn đến hiện tượng bầm tím. Ở người cao tuổi, vết bầm tím thường xuất hiện trên cánh tay và bàn tay, những vùng hay tiếp xúc với ánh mặt trời.
Thiếu vitamin

Dễ bầm tím chứng tỏ cơ thể đang thiếu vitamin K. Hấp thụ không đủ vitamin C cũng có thể gây bầm tím bởi vitamin C tham gia xây dựng thành mạch máu.
Gene di truyền

Thông qua gene, các đặc điểm liên quan đến số lượng tiểu cầu hay cơ chế đông máu được truyền từ thế hệ trước qua thế hệ sau và khiến con cái dễ bầm tím như bố mẹ.
Ung thư

Trong một số trường hợp hiếm gặp, bầm tím là dấu hiệu ung thư máu, ung thư tủy xương hoặc ung thư hạch bạch huyết. Lúc này, bệnh nhân thường bị chảy máu lợi, sốt, ớn lạnh, đổ mồ hôi đêm, đau nhức xương đi kèm.
Bệnh gan

Gan có chức năng sản xuất các yếu tố đông máu. Nếu bộ phận này bị tổn thương dẫn đến thiếu hụt protein cần thiết cho đông máu, bạn sẽ dễ bị chảy máu và bầm tím.

Tốt nhất, để đảm bảo sức khỏe, bạn hãy mau chóng đi khám nếu thấy các biểu hiện sau:
Vết bầm tím đau, sưng.
Vết bầm tím kéo dài từ hai tuần trở lên mà không thay đổi.
Nhiều vết bầm tím kết hợp sốt, ớn lạnh, sút cân hoặc bất cứ triệu chứng toàn thân nào khác.
Bầm tím tái phát không rõ nguyên nhân.

Xử trí đúng cách khi bị sưng bầm

Thứ Ba, 30 tháng 1, 2018

Sau SARS, Zika, "kẻ thù" của loài người là ve ký sinh?


Ảnh: Getty Images

Chỉ trong 17 năm, loài người phải chống chọi với nhiều dịch bệnh mới như SARS, Ebola, MERS, và mới đây nhất là Zika. Nhưng các nhà khoa học cho rằng mối nguy hiểm tiếp theo sẽ đến từ một loài vật bé nhỏ quen thuộc: ve ký sinh.


Ve (còn gọi là bét hoặc tích) là một nhóm côn trùng nhỏ bé phân bố khắp nơi Trái đất, thuộc lớp động vật hình nhện, sống bằng cách ký sinh và hút máu trên các động vật khác. Ve ký sinh còn là trung gian truyền bệnh từ động vật sang người.


Năm 1975, loài ve trở nên “nổi tiếng” thế giới vì là trung gian truyền bệnh Lyme. Bệnh này lây truyền từ động vật sang người với tác nhân là xoắn khuẩn Borrelia Burgdorferi.

Bệnh gây thương tổn chủ yếu ở da, hệ thần kinh, tim và khớp. Theo thống kê, bệnh Lyme ảnh hưởng đến 300.000 người tại Hoa Kỳ và 65.000 người tại châu Âu mỗi năm.

Theo trang The Guardian, ngày nay, số lượng mầm bệnh sống trong ve ngày càng tăng trong khi số lượng loài ve được phát hiện nhiều hơn.

Biến đổi khí hậu cũng là một nguyên nhân khiến cho ve ký sinh “đến gần” với con người hơn. Với quá trình đô thị hóa, môi trường sống tự nhiên của ve dần mất đi, khiến chúng có khả năng “xâm chiếm” lãnh thổ của con người.

Trái đất ấm lên giúp chúng có thể mở rộng địa bàn hoạt động ra những vùng lạnh giá ngày trước khó tiếp cận. Ngoài ra, ngày nay các châu lục không còn tách biệt nhau nhờ hệ thống giao thông vận tải thuận lợi giúp kết nối mọi nơi trên thế giới. Do đó, ve ký sinh có thể “ngao du” khắp thế gian.

Đây là những điều kiện thuận lợi giúp ve ký sinh mở rộng lãnh thổ và thích nghi với môi trường sống mới. Từ đó kéo theo rất nhiều căn bệnh khác do ve ký sinh là vật trung gian truyền bệnh.

Điển hình như bệnh Babesiosis, do ve ký sinh lây truyền loài vi khuẩn tựa như loài truyền bệnh sốt rét gây ra. Các bác sĩ rất khó phát hiện bệnh và tính toán mức độ nhiễm bệnh toàn cầu. Một phần do dấu hiệu của bệnh hệt như những căn bệnh thông thường khác với các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, thiếu máu, và buồn nôn.

Khoảng ¼ người trưởng thành nhiễm bệnh vẫn bình thường và không cho thấy bất kỳ dấu hiệu nhiễm bệnh nào, trong khi số còn lại đứng trước nguy cơ tử vong cao.

Ngoài ra còn có bệnh sốt xuất huyết Crimean-Congo, là một trong những căn bệnh gây ra bởi virus CCHF và được ve ký sinh phát tán, hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị.

Thường bệnh sẽ phát triển thành ổ dịch, lần đầu tiên được phát hiện vào những năm 1940. Vào năm 2013, Iran, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Uzbekistan đã ghi nhận hơn 50 trường hợp. Tỷ lệ tử vong ở những người mắc bệnh là từ 10-40%.

Ngoài ra, được khám phá vào năm 2009, virus SFTS gây ra hội chứng sốt cấp tính giảm tiểu cầu đe dọa phần lớn châu Á, nhất là Nhật Bản. Từ năm 2013, gần 60 trong số hơn 260 người nhiễm bệnh này tại Nhật Bản đã tử vong. Hiện chưa có thuốc chữa hay vaccine xin phòng chống virus này.

Dấu hiệu của bệnh rất bình thường, như sốt, tiêu chảy, và ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể.

Ve ký sinh ngày càng phổ biến, nguy hiểm và “gắn chặt” với con người. Do đó, chúng ta phải nhận ra mối hiểm họa từ loài vật bé nhỏ này, có thể đến ngay sau mảnh vườn của chúng ta chứ không phải một cánh rừng nhiệt đới xa xôi ở châu Phi hay châu Á.

Theo tuổi trẻ

Thứ Ba, 16 tháng 1, 2018

Cấy robot vào cơ thể trẻ sơ sinh để chữa bệnh

Thiết bị robot cấy ghép do Mỹ sáng tạo thúc đẩy sinh trưởng tế bào và chữa lành các tổn thương khi được "thả" vào cơ thể trẻ nhỏ.
Mô tả kỹ thuật Foker. (Ảnh: SlidePlayer).
Cách đây gần một thế kỷ, Pierre Dupont, kỹ sư y sinh tại Bệnh viện Nhi Boston (Mỹ) từng tự hỏi liệu con người có khả năng chế tạo những con robot sống và làm việc bên trong cơ thể hay không. Giờ đây, với công trình mang tính đột phá, ông biết chắc câu trả lời là "có".
Theo Futurism, trên tờ Science Robotics, nhóm tác giả từ Bệnh viện Nhi Boston cho biết đã thử gắn thiết bị robot vào thực quản lợn và nhận thấy sau một thời gian, bộ phận này của con vật dài hơn 77% trong khi nó vẫn sinh hoạt, ăn uống bình thường và không hề khó chịu. Đặc biệt, ông Dupont cho biết thực quản lợn không chỉ đơn thuần được kéo giãn mà thực sự dài lên nhờ tế bào tăng trưởng. Như vậy, robot cấy ghép có thể đem tới hy vọng cho các bệnh nhân mắc chứng teo thực quản.
Ảnh hưởng đến một trên 4.000 trẻ sơ sinh, chứng theo thực quản khiến một phần thực quản bị mất đi. Do đó, trẻ khó bú, hay sặc và nôn, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Đối với những ca nhẹ, bác sĩ có thể phẫu thuật khâu hai đầu thực quản lại với nhau. Đối với các trường hợp này, đội ngũ y tế phải dùng đến kỹ thuật Foker để khâu hai đầu bị đứt của thực quản thành hai nút thắt ở lưng. Sau vài tuần, hai nút này được thắt chặt hơn để từ từ kéo giãn thực quản. Dần dần, đoạn thực quản bị đứt sẽ được nối liền.
Dù hiệu quả cao, kỹ thuật Foker còn nhiều nhược điểm. Suốt quá trình điều trị, trẻ phải tiêm thuốc mê và thở máy để đảm bảo không di chuyển. Thời gian nằm viện có thể lên tới ba tháng và chi phí rơi vào khoảng một triệu USD.
Nếu áp dụng thành công trên người, robot cấy ghép sẽ khắc phục mọi vấn đề của kỹ thuật Foker. Ngoài ra, nhóm tác giả cho biết sẽ không dừng lại ở chứng teo thực quản mà sẽ tiếp tục thử nghiệm thiết bị này lên động vật mắc hội chứng ruột ngắn.

Lý do vì sao mùa đông làm chúng ta béo lên đây rồi!

Bi kịch của mùa đông là khiến tất cả chúng ta tăng cân một cách không kiểm soát. Và mới đây, khoa học mới chỉ ra một nguyên nhân cực kỳ bất ngờ, chưa từng được ghi nhận trong bất kỳ nghiên cứu nào.
Mùa đông lạnh lẽo khiến tâm trạng con người ta trở nên thật thê lương. Nhưng không chỉ vậy đâu, mùa đông còn là dịp để tất cả chúng ta bỗng nhiên béo mập hẳn ra, làm cho bi kịch còn tăng thêm gấp bội phần nữa.
Nhưng tại sao vậy? Có phải vì chúng ta có xu hướng ăn nhiều hơn? Cũng có thể, nhưng theo một nghiên cứu mới đây do ĐH Alberta (Canada) công bố, lý do thực sự đứng đằng sau hoàn toàn khiến chúng ta phải bất ngờ.
Cụ thể, các chuyên gia đã đang nghiên cứu về adipocyte - còn gọi là tế bào tạo mỡ nằm dưới da. Họ muốn thử chỉnh sửa lại tế bào này, nhằm khiến nó sản xuất thêm insulin dành cho người bị tiểu đường. Nhưng trong quá trình thí nghiệm, họ quan sát thấy một hiện tượng rất kỳ lạ, chưa từng xuất hiện trong bất kỳ nghiên cứu nào trước kia.
Trước đó, khoa học vốn biết rằng các màng của tế bào mỡ có thể mở hoặc đóng tùy theo sóng ánh sáng nó được tiếp xúc. Tuy nhiên trong thí nghiệm, họ nhận thấy phản ứng này trở nên cực kỳ mạnh với sóng ánh sáng có bước sóng từ 450 - 480 nanomet. Để dễ hiểu hơn, đây chính là sóng ánh sáng xanh - tức là ánh sáng từ Mặt trời.
"Chúng tôi nhận ra đây là một phản ứng kỳ lạ, chưa từng được ghi nhận, và hiểu rằng cần phải tìm hiểu sâu hơn" - trích lời Peter Light, chuyên gia trong nhóm nghiên cứu.
Trên thực tế, việc các tế bào trong cơ thể có phản ứng với ánh sáng xanh không phải là lạ. Ví dụ như trong nhãn cầu, các tế bào cảm thụ ánh sáng cho phản ứng rất mạnh, và đó là cơ chế để cơ thể nhận biết về thời gian và điều chỉnh lại đồng hồ sinh học.
Và lần này, họ muốn thử xem các tế bào mỡ sẽ phản ứng như thế nào. Kết quả, chúng không những tạo ra một dạng protein tương tự với tế bào cảm thụ ánh sáng, mà còn tiết ra nhiều hơn glycerol, đồng thời giảm kích cỡ khu vực lưu trữ mỡ xuống còn 1/3.
"Khi sóng ánh sáng xanh xâm nhập vào da và xuống các tế bào mỡ bên dưới, các giọt lipid bị teo nhỏ lại và bị đẩy ra khỏi tế bào".
"Nói cách khác, tế bào không còn dự trữ được nhiều chất béo nữa".
Vậy điều này có ý nghĩa gì? Tức là, ánh sáng Mặt trời không những giúp cơ thể tổng hợp được vitamin D, mà còn làm cơ thể khó tích tụ mỡ hơn.
"Điều này chứng tỏ, các thế hệ sau này dễ có xu hướng thừa cân hơn ông cha ngày trước, vì chúng ta có xu hướng ngồi trong nhà nhiều hơn" - Light chia sẻ.
Quay trở lại vấn đề mùa đông. Vào mùa đông, ngày ngắn hơn, nắng cũng ít hơn, và chúng ta có xu hướng ở trong nhà nhiều hơn. Tất cả khiến cho cơ thể có xu hướng tích mỡ cao hơn mùa hè.
Tuy nhiên, Light cho biết đây vẫn là một nghiên cứu khởi đầu. Hiện tượng chất béo co lại dưới ánh sáng xanh mới chỉ được chứng minh trong môi trường phòng thí nghiệm. Trong khi đó, nhiều người lo ngại rằng tế bào mỡ nằm quá sâu, ánh Mặt trời không thể chạm tới, trong khi nguy cơ mắc ung thư da lại tăng cao.
Theo Light, vẫn cần thêm một số nghiên cứu kỹ hơn trong tương lai, để thực sự khẳng định được quan điểm của nghiên cứu là đúng. Và nếu thành công, con người sẽ có thêm lựa chọn mới để chống lại béo phì - thứ "bệnh dịch" đang hoành hành khắp thế giới.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Scientific Reports.

Thứ Sáu, 29 tháng 12, 2017

Vi khuẩn "ăn thịt người" tấn công hơn 500 người ở Nhật Bản

Hơn 500 người ở Nhật Bản đã bị nhiễm STSS hay còn được gọi là “vi khuẩn ăn thịt người” trong năm nay.
Tờ Asahi Shimbun dẫn số liệu từ Viện nghiên cứu bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản, cho biết khoảng 525 người ở nước này đã bị nhiễm hội chứng sốc nhiễm khuẩn cầu chuỗi (STSS) trong năm 2017. Bệnh này gây hoại tử chân và cơ quan nội tạng, khiến bệnh nhân có thể tử vong trong vài giờ.
Trong số các trường hợp nhiễm STSS, 66 người ở Tokyo, 40 người ở Kanagawa, 32 người ở Aichi, 31 người ở Fukuoka và 28 người ở Hyogo. Phần lớn các bệnh nhân đều hơn 30 tuổi.
Bệnh STSS thu hút sự chú ý gần đây sau khi cựu người mẫu và vận động viên điền kinh Mỹ Lauren Wasser chia sẻ câu chuyện cô bị nhiễm “vi khuẩn ăn thịt người” do sử dụng băng vệ sinh quá lâu. Hậu quả là cô đã bị cắt bỏ chân phải.
Bệnh thường lây truyền qua tiếp xúc với vết thương viêm nhiễm và bắt đầu với triệu chứng sốt, sưng và đau ở chân và tay. Khi vi khuẩn lây lan khắp có thể qua đường máu, chúng bát đầu "ăn" các cơ quan nội tạng và thịt, khiến bệnh nhân rơi vào tình trạng hôn mê, rối loạn và thậm chí tử vong.

Theo Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Mỹ, tỉ lệ tử vong của bệnh nhân nhiễm STSS rất cao, lên tới hơn 50%. Mặc dù vậy, bệnh có thể được điều trị sớm bằng thuốc kháng sinh hoặc cắt bỏ các phần chi bị hoại tử.

"Cấy não" cho robot tình dục để có tình cảm như người thật

Công ty sản xuất robot tình dục ở Mỹ đang muốn robot của họ thực sự có kết nối về mặt cảm xúc với chủ nhân, Mirror ngày 27/12 cho hay.
Nhà sản xuất của nhãn hàng búp bê tình dục Realdoll của Mỹ đang muốn giúp khách hàng có tình cảm thực sự với con robot của họ. Công ty Abyss Creations muốn tạo ra những búp bê tình dục có thể "kết nối cảm xúc thực sự" với chủ nhân. Mới đây, công ty này đã công bố Harmony AI - một ứng dụng cung cấp “não” cho búp bê của hãng Realdoll - cho phép robot tạo mối quan hệ với con người. Ứng dụng cho phép người dùng tương tác với búp bê tình dục bằng giọng nói của họ. Người dùng cũng có thể tạo ra nhân cách trí tuệ nhân tạo cho con robot phù hợp với nhu cầu, Daily Mail đưa tin.
“Não” của búp bê tình dục sau đó sẽ tiếp tục tìm hiểu về chủ nhân để "tạo ra một mô phỏng mối quan hệ thân thiết", theo Công ty Abyss. Ứng dụng Harmony AI cũng cho phép người dùng tạo một avatar 3D có thể điều chỉnh. Do các quy tắc trên Apple Store và Google Play, người dùng phải tải ứng dụng trực tiếp từ trang Realbotix. Phí sử dụng hằng năm là 20 USD (hơn 450 nghìn đồng) và hiện chỉ tương thích với hệ điều hành Android.
Tháng 3, công ty này đã công bố một con búp bê tình dục kỳ lạ có tên Harmony 2.0. Nó nói giọng Scotland và được lập trình với 18 tính cách khác nhau, bao gồm “ngại ngùng” “gợi cảm”. Trong 1 video, Matt McCullen, Giám đốc điều hành của công ty Abyss Creations, hỏi Harmony 2.0: "Cô cảm thấy thế nào về tình dục?" Harmony trả lời: "Tình dục là một trong những điều tuyệt vời nhất trên thế giới. Tôi không nghĩ có bất cứ điều gì sai trái về tình dục”.
Con búp bê cũng có một “bộ nhớ liên tục”, cho phép nó xây dựng mối quan hệ với chủ sở hữu và ghi nhớ những sự kiện về họ. Đối với những người không cần búp bê với mục đích tình dục, McMullen nói thêm rằng họ vẫn có thể thiết lập để trò chuyện với búp bê mà không cần nhắc đến chủ đề này.

Thứ Năm, 28 tháng 12, 2017

Nên ăn thịt gà trắng hay thịt gà nâu?

Thịt gà nâu chứa nhiều chất béo và calo hơn thịt gà trắng song lại là nguồn vitamin, khoáng chất tuyệt vời.
Có những người thích thịt gà trắng và có những người chỉ ăn thịt nâu. Câu hỏi đặt ra là hai loại thịt này khác nhau như thế nào và phải chăng thịt trắng tốt cho sức khỏe hơn thịt nâu?
Theo Health, sự khác biệt cơ bản giữa thịt trắng và thịt nâu phụ thuộc vào myoglobin, loại protein gắn kết và vận chuyển oxy trong mô cơ. Nồng độ myoglobin càng cao, màu thịt càng đậm. Do hoạt động đi, chạy, phần chân và đùi của gà cần nhiều oxy hơn, tức là có nhiều myoglobin hơn nên sậm màu hơn. Ngược lại, phần ức và cánh sẽ có màu sáng.
Về mặt dinh dưỡng, thịt nâu chứa nhiều calo và chất béo hơn thịt trắng. Một phần đùi gà nướng chứa 8,6g chất béo bao gồm 2,7g chất béo bão hòa. Một phần ức gà nướng với trọng lượng tương đương chứa 4g chất béo bao gồm 1,1g chất béo bão hòa. Tuy nhiên, ở cả thịt trắng lẫn thịt nâu, loại chất béo chủ yếu vẫn là chất béo không bão hòa đơn tốt cho sức khỏe.
Tương tự thịt trắng, thịt nâu rất giàu vitamin cùng khoáng chất. Đó là nguồn vitamin B6, kẽm, niacin, selenium, phosphorus, sắt, riboflavin, pantothenic acid tuyệt vời; hỗ trợ cơ thể tổng hợp và chuyển hóa protein, carbs, chất béo. Trên thực tế, một phần đùi gà nướng không da chứa lượng sắt ngang với một phần ức gà nướng không da (1,1 g). So với sắt thực vật, cơ thể dễ hấp thụ sắt từ thịt nâu hơn.
Cuối cùng, thịt nâu có mùi vị đậm đà, mọng nước còn thịt trắng rất dễ bị khô khi nấu nướng. Chất béo trong thịt nâu cũng giúp thỏa mãn dạ dày đồng thời kéo dài cảm giác no bụng.
Bạn không cần từ bỏ thịt nâu để chuyển sang thịt trắng mà cứ ăn điều độ mỗi tuần vài lần. Nếu muốn tối đa hóa lợi ích dinh dưỡng, bạn có thể nấu gà với các loại rau củ quả như nấm hoặc dùng cả thịt nâu lẫn thịt trắng để nấu súp.
Trường hợp mắc bệnh tim mạch, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc ăn thịt gà.

Trung Quốc nhân bản chó chỉnh sửa gene để nghiên cứu bệnh tim

Trung Quốc lần đầu tiên kết hợp công nghệ chỉnh sửa gene và nhân bản để tạo ra chó mắc xơ vữa động mạch phục vụ nghiên cứu y học.
Công ty công nghệ sinh học Sinogene của Trung Quốc nhân bản thành công chó săn thỏ Longlong từ một con chó khác được chỉnh sửa gene để mắc bệnh xơ vữa động mạch, CNN hôm qua đưa tin. Các nhà khoa học sẽ nghiên cứu và tìm kiếm phương pháp chữa trị căn bệnh này trên con chó mắc bệnh.
Nhìn bên ngoài, Longlong có bộ lông ba màu đen, nâu và trắng như những con chó săn thỏ bình thường khác. Nó được nhân bản từ Apple, con chó được các nhà khoa học can thiệp vào bộ gene để mắc xơ vữa động mạch. Căn bệnh này được di truyền lại cho Longlong ngay khi con vật mới chào đời.
Sinogene tuyên bố đây là con chó nhân bản đầu tiên từ động vật chỉnh sửa gene. Với sự ra đời của Longlong, họ khẳng định Trung Quốc đã trở thành một trong những nước đi đầu trong công nghệ nhân bản chó.
"Việc nhân bản chó từ tế bào của động vật chỉnh sửa gene chắc chắn là một đột phá lớn", Eugene Redmond, phụ trách phòng thí nghiệm Cấy ghép và Hồi phục Thần kinh tại Đại học Y Yale, nhận xét.
Sinogene đã nhân bản thành công hai con chó nữa, Xixi và Nuonuo, theo cách tương tự, nghĩa là hãng này hiện sở hữu 4 con chó có gene giống nhau.
"Chó có nhiều bệnh di truyền giống với người nhất, do đó, chúng là những mẫu tốt nhất để nghiên cứu", Feng Chong, giám đốc kỹ thuật tại Sinogene nói. Sự ra đời của Longlong đánh dấu lần đầu tiên các nhà khoa học kết hợp công nghệ chỉnh sửa gene CRISPR với công nghệ nhân bản tế bào sinh dưỡng, phương pháp sử dụng để nhân bản cừu Dolly.
Những con chó nhân bản vẫn chưa biểu lộ triệu chứng nào nhưng các nhà nghiên cứu đang theo dõi chặt chẽ sức khỏe của chúng, theo Mi Jidong, quản lý tại Sinogene. Các loại thuốc để điều trị bệnh tim mạch cũng đang được thử nghiệm trên những động vật khỏe mạnh.
Dù một số nước khác cũng tiến hành các nghiên cứu tương tự, Trung Quốc là quốc gia đi đầu về động vật biến đổi gene với khỉ mang gene tự kỷ của người, chó siêu khỏe và lợn không mang retrovirus, loại virus có vật chất di truyền là RNA.
Tuy nhiên, giống với nhiều thí nghiệm khác về nhân bản và thay đổi gene, thành tựu của Sinogene gặp phải nhiều ý kiến tranh cãi. Tổ chức bảo vệ động vật PETA cho rằng nghiên cứu này là trái đạo lý. Ngoài những lo ngại về đạo đức, động vật thí nghiệm ở Trung Quốc cũng chưa được pháp luật bảo vệ đúng mức.
Tổ chức PETA tin rằng số tiền đổ vào nghiên cứu nên được dùng để giúp đỡ những động vật lang thang thay vì tạo ra thêm động vật. Tuy nhiên, các nhà khoa học tại Sinogene tin rằng công trình của họ phục vụ cho tương lai phát triển ngành dược và nghiên cứu y sinh. Hãng này dự định tạo ra nhiều chó nhân bản giống Longlong hơn.
Về vấn đề thương mại hóa công nghệ nhân bản, Feng cho rằng việc khiến những con chó chỉnh sửa gene trở nên dễ tiếp cận hơn có thể tạo ra cuộc cách mạng trong nghiên cứu về lĩnh vực này.
Phương pháp cũ để khiến chó mắc xơ vữa động mạch là cho chúng ăn thức ăn chứa nhiều đường và chất béo đến khi các triệu chứng xuất hiện. Theo Feng, phương pháp chỉnh sửa gene và nhân bản hiện nay tốt hơn cho những con chó. Tuy nhiên, Keith Guo, một đại diện của PETA, không chắc phương pháp mới nhân đạo hơn vì lũ chó vẫn phải chịu đau đớn.
Những con chó được quan tâm và đối xử một cách tôn trọng, Feng khẳng định. Sinogene cũng dự định nhân bản những con chó nghiệp vụ như chó cảnh sát, chó dẫn đường, thậm chí các vật nuôi bình thường để đảm bảo một số đặc tính sinh học sẽ được di truyền.
Theo DUR

 
Dr.Jonh. Được tạo bởi Blogger.